Thế hệ mới được gọi là thế hệ thạo công nghệ, nhưng thế hệ này cũng đồng thời phải đối diện với một loạt các vấn đề mới nảy sinh: cô đơn trên mạng, khủng hoảng ngôn ngữ và giao tiếp, trưởng thành giả,...
Trẻ em sinh ra trong thế hệ công nghệ phải đối diện với một loạt các vấn đề mới nảy sinh: cô đơn trên mạng, khủng hoảng ngôn ngữ.
Mất khả năng giao tiếp tự nhiên
Theo các chuyên gia, trong cuộc sống hiện đại ngày nay có quá nhiều lý do để người ta trốn tránh giao tiếp trực tiếp mà tìm cách giao tiếp qua mạng xã hội. Nhiều gia đình ở cạnh nhau nhưng lại hoàn toàn không có được nhau.
Đầu tháng 4 vừa qua, ông Nitin Gajria - Giám đốc Google Việt Nam công bố con số gây sốc về số lần một người Việt cầm điện thoại lên xem mỗi ngày: 150 lần, tương đương trung bình hơn 10 lần/giờ. Báo cáo Vietnam Mobile Market 2015 của Tập đoàn Appota cho biết, trung bình, mỗi người Việt Nam sở hữu 1.4 thiết bị điện tử.
Chưa bao giờ chúng ta có nhiều màn hình đến thế. Chưa bao giờ việc kết nối với nhau trở nên dễ dàng đến thế. Thường xuyên trên bàn ăn gia đình hay trong nhà hàng, chúng ta nhìn thấy những thành viên trong gia đình, những người bạn cúi mặt xuống chiếc smartphones, tablets để nhắn tin, lướt newsfeed facebook, instagram thay vì ngẩng lên trò chuyện với nhau.
Chúng ta cũng thường xuyên bắt gặp những đứa trẻ chưa đến tuổi đi học nhưng đã thông thạo cách vào youtube xem hoạt hình siêu nhân, công chúa.
Thế hệ mới này được gọi là thế hệ thạo công nghệ, nhưng thế hệ này cũng đồng thời là thế hệ đang phải đối diện với một loạt các vấn đề mới nảy sinh: cô đơn trên mạng, khủng hoảng ngôn ngữ và giao tiếp, trưởng thành giả.
Các hiện tượng này, đặc biệt ở trẻ em, gây ra những vấn đề có thật trong sự phát triển của trẻ em nói riêng và sự phát triển xã hội nói chung.
Gia đình anh Nguyễn Văn Đô trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội là ví dụ. Anh mải mê với công việc, vợ cũng thế. Buổi tối họ ăn cơm nhưng ai cũng check điện thoại xem có gì cập nhật không còn con thì xem tivi.
Cuộc sống trở nên vô cùng nhạt nhẽo khi anh phát hiện con mình cũng nghiện máy điện thoại để xem các trò chơi. Anh mắng con doạ đập vỡ điện thoại thì đứa bé đã đập vỡ ngay trước mắt anh. Anh Đô cảm thấy sốc vô cùng và đã đến lúc anh và vợ xem lại cách sống của gia đình. Anh chị đã mất đi chính đứa con của mình ngay khi nó đang ngồi cạnh mình.
Những bộ não mới
Thạc sĩ Phương Hoài Nga - thạc sĩ tâm lý học phụ trách tâm lý học đường của trường phổ thông liên cấp Olympia cho biết chị gặp hàng trăm hàng nghìn gia đình rơi vào hoàn cảnh nghiện các thiết bị công nghệ. Nhiều câu chuyện trở thành bi kịch khi bố mẹ ly hôn, con cái chia ly chỉ vì những chiếc điện thoại.
Thạc sĩ Nga nhấn mạnh hiện nay chúng ta đang tạo ra những “đứa con thế hệ mới”. Đó là những đứa trẻ chỉ thích ngồi nói chuyện với máy tính, với điện thoại mà không có giao tiếp thực tế.
Ngày xưa, người ta coi bữa cơm tối là nơi “họp gia đình” thì bây giờ hầu như người ta rất ít ăn tối với nhau. Ăn xong họ lại mải mê chạy lên phòng, lên nhà và bắt đầu tìm tới các thiết bị từ máy tính đến điện thoại.
Vài năm trước, còn diễn ra tình trạng trẻ bỏ nhà đi bụi. Với những đứa trẻ bỏ nhà ra đi, theo các chuyên gia, khi họ trắc nghiệm tâm lý, các cháu đều nói không muốn trở lại gia đình vì không tìm thấy sự gắn kết ở đó.
Nay, những đứa trẻ ở ngay trong nhà, song sự gắn kết cũng mất dần và là thực tế này là đáng báo động.
Theo Thạc sĩ Nga, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở đứa trẻ trí não đang phát triển nếu bị lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ quá nhiều, não sẽ không còn phát triển bình thường mà phát triển theo một hướng khác. Não sẽ cố định lại và chúng ta đang sinh ra những đứa con “công nghệ số” không bình thường.
Toàn bộ quá trình sinh ra tế bào mới đều có trong giấc ngủ và đã có chứng minh đứa trẻ lớp 6 nếu không ngủ đủ giấc thì trí tuệ của các cháu chỉ như đứa trẻ lớp 4. Đây thực sự là điều cực kỳ nguy hiểm. Hai năm trí tuệ, 2 tuổi khôn ở trẻ vô cùng quan trọng, song hiện nay đang bị mài mòn bởi công nghệ số.
Theo Phương Thúy/Báo Infonet
VS.ST